Trang Thông tin điện tử

xã Định Hóa - Huyện Kim Sơn

Chủ nhật, 22/12/2024

Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 200 năm danh xưng Ninh Bình (1822- 2022) và 30 năm tái lập tỉnh( 01/4/1992- 01/4/2022)

Thứ ba, 15/03/2022

PHẦN THỨ NHẤT: VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI NINH BÌNH

Ninh Bình là vùng đất cổ, cách đây hơn 3 vạn năm, người Việt cổ đã cư trú trên mảnh đất này. Qua quá trình biến thiên của lịch sử, vùng đất Ninh Bình có nhiều thay đổi về tên gọi. Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình; danh xưng Ninh Bình có từ đây, với ý nghĩa là một vùng đất vững chãi, bình yên thể hiện ý chí quật cường, tinh thần anh dũng, quả cảm của Nhân dân vùng đất này. Năm Minh Mạng thứ 10 (1829), đổi đạo Ninh Bình thành trấn Ninh Bình và đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), trấn Ninh Bình được đổi thành tỉnh Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình chính thức được thành lập năm 1831. 

Ngày 27/12/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V ra Nghị quyết hợp nhất tỉnh Ninh Bình và tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh. Ngày 26/12/1991, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết tách tỉnh Hà Nam Ninh thành 2 tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới, gồm 5 huyện: Hoàng Long, Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp, Kim Sơn và 2 thị xã: Ninh Bình, Tam Điệp. Tháng 11/1993, huyện Hoàng Long được đổi tên thành huyện Nho Quan. 

Tháng 7/1994, huyện Yên Khánh được thành lập lại, đổi tên huyện Tam Điệp thành huyện Yên Mô như trước đây. Ngày 7/2/2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 19/2007/NĐ-CP, thành lập thành phố Ninh Bình trực thuộc tỉnh. Ngày 10/4/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 904/ NQ-UBTVQH, thành lập thành phố Tam Điệp trực thuộc tỉnh. 

Hiện nay, tỉnh Ninh Bình có 2 thành phố và 6 huyện với 143 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 119 xã, 17 phường và 7 thị trấn. Tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên gần 1.400 km2 , địa hình tự nhiên phân thành 3 vùng rõ rệt: vùng đồi núi bán sơn địa gồm huyện Nho Quan và một phần thành phố Tam Điệp; vùng đồng chiêm trũng gồm huyện Gia Viễn và huyện Hoa Lư; vùng đồng bằng ven biển gồm huyện Kim Sơn, phía Nam huyện Yên Khánh và một phần phía Đông huyện Yên Mô. Hằng năm, vùng bãi bồi thuộc huyện Kim Sơn tiến ra biển khoảng 80 m đến 100 m. 

Rừng núi Ninh Bình nằm trong hệ đá vôi hình cánh cung, chạy dài từ vùng Tây Bắc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Khu rừng nguyên sinh Cúc Phương có nhiều động, thực vật quý hiếm. Núi đá vôi ở Ninh Bình có nhiều hang động đẹp nổi tiếng như Bích Động (Nam thiên đệ nhị động), Địch Lộng (Nam thiên đệ tam động), động Thiên Tôn, động Liên Hoa, đặc biệt là khu hang động Tràng An... vùng đèo Ba Dội là "cổ họng Bắc - Nam", cửa ải trọng yếu giữa Khu III và Khu IV của đất nước. Thiên nhiên đã tạo cho Ninh Bình một vùng đất có biển, có rừng núi, có đồng bằng, giàu tiềm năng phát triển toàn diện và là một địa bàn có thế hiểm yếu về quân sự: tiến có thể đánh, lui có thế giữ. 

Vì vậy, Ninh Bình là một vùng đất mang đầy dấu tích lịch sử. Dân số Ninh Bình năm 1992 có 819.600 người và đến hết năm 2021 tăng lên trên 973.000 người; đại bộ phận dân cư là dân tộc Kinh và có khoảng hơn 20.000 người thuộc dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, sống tập trung ở một số xã miền núi huyện Nho Quan. 

Có 2 tôn giáo chính: Phật giáo và Công giáo; Phật giáo chiếm khoảng 5,18% và Công giáo chiếm 16,3% dân số (chủ yếu tập trung ở huyện Kim Sơn). Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, vùng đất và con người Ninh Bình đã để lại những dấu ấn đặc biệt. 

Đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng dựa vào địa hình rừng núi Tam Điệp để chống lại quân Đông Hán do Mã Viện chỉ huy, tại đây nhân dân trong vùng đã cung cấp lương thảo, gia nhập nghĩa quân đánh giặc. 

Những năm đầu thế kỷ X, Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền dựa vào dãy núi Tam Điệp đắp thành lũy để xây dựng và bảo vệ lực lượng ở miền Thanh Hóa, rồi tiến quân đánh thắng quân Nam Hán, lập chiến công vang dội ở Đại La năm 930, Bạch Đằng năm 938. 

Vào nửa cuối thế kỷ X, Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp và thu phục 12 sứ quân, thu giang sơn về một mối, lập vương triều phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở nước ta, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dựng kinh đô ở đất Hoa Lư, vào năm 968 xây dựng triều chính và quản lý đất nước. 

Những năm cuối thế kỷ X, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua, lập vương triều nhà Lê (thay thế vương triều Đinh) trực tiếp thống lĩnh quân sỹ kháng Tống, bình Chiêm giữ vững nền độc lập và bờ cõi đất nước. Tiếp theo nhà Lê, năm 1009 Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra nhà Lý, năm 1010 quyết định dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (Thăng Long - Hà Nội). 

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Mông - Nguyên thế kỷ XIII, các vua Trần lấy dãy núi Tam Điệp làm bức tường thành bảo vệ vùng Châu Ái, Châu Hoan (Thanh Hóa, Nghệ An). 

Năm 1285, vương triều Trần thực hiện chính sách "vườn không nhà trống" rút khỏi kinh thành Thăng Long về vùng đất Ninh Bình xây dựng căn cứ địa Trường Yên (thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư ngày nay). Từ căn cứ này, các vua Trần tổ chức quân dân Đại Việt phản công đánh thắng quân Mông - Nguyên xâm lược, bảo vệ vững chắc nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà. 

Trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đầu thế kỷ XV, nghĩa quân Lê Lợi nhiều lần tiến quân đánh giặc Minh xâm lược, qua vùng Tam Điệp, Nho Quan (huyện Khôi), Nhân dân ủng hộ lương thảo và gia nhập nghĩa quân tham gia chiến đấu, giải phóng các lộ vùng đồng bằng Bắc Bộ. 

Cuối thời hậu Lê, Ngô Thì Nhậm chọn vùng núi Tam Điệp - Biện Sơn, Ninh Bình làm nơi phòng thủ, chờ đại quân Tây Sơn tiến ra Bắc. Từ Tam Điệp, đại quân Quang Trung - Nguyễn Huệ tiến đánh tan 29 vạn quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789), giải phóng kinh thành Thăng Long, giành lại độc lập cho muôn nhà.

Truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của Nhân dân Ninh Bình ngày càng được phát huy mạnh mẽ. Ninh Bình là một trong những địa phương sớm tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 9/1927, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên được thành lập tại làng Lũ Phong, tổng Quỳnh Lưu (Nho Quan) do đồng chí Lương Văn Thăng làm Bí thư; đến ngày 24 tháng 6 năm 1929, Chi bộ chuyển tên thành Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Ninh Bình.

Sau khi được thành lập, chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Lũ Phong đã tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, gây dựng cơ sở phát triển nhiều hội viên, thành lập một số chi bộ khác trong tỉnh. Việc thành lập chi bộ cách mạng sớm đã kịp thời tuyên truyền giác ngộ nhân dân, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đóng góp những chiến công to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xứng đáng là quê hương anh hùng của một dân tộc anh hùng. 

Trong niềm vui chung của cả dân tộc, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Ninh Bình bắt tay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng quê hương, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 16 năm hợp nhất tỉnh Hà Nam Ninh (1976- 1991), quân dân các huyện, thị xã khu vực Ninh Bình phấn đấu góp phần cùng cả tỉnh giành nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, vượt qua giai đoạn khó khăn, thử thách, tạo ra những động lực quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. 

Trong thực tiễn xây dựng và chiến đấu  bảo vệ quê hương, người dân Ninh Bình đời sau nối tiếp đời trước hun đúc nên những phẩm chất, tính cách cao đẹp trở thành truyền thống quý báu. Đó là truyền thống lao động cần cù sáng tạo, đoàn kết, đùm bọc giúp đỡ nhau trong khó khăn, gian khổ, chống đỡ, khắc phục hậu quả thiên tai, dũng cảm, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Quá trình lịch sử đấu tranh xây dựng và phát triển quê hương của Nhân dân Ninh Bình đã sáng tạo một không gian văn hóa đặc sắc, năng động; đến nay, có 1.821 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 379 di tích đã được xếp hạng; 81 di tích cấp quốc gia; 298 di tích cấp tỉnh; có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử và Kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư; Khu du lịch sinh thái Tràng An-Tam Cốc - Bích Động; Di tích lịch sử và Danh lam thắng cảnh núi Non Nước. 

Đặc biệt, năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Di sản hỗn hợp thứ 38 của thế giới và là đầu tiên của Đông  Nam Á). Những thành tựu rực rỡ về kiến trúc, điêu khắc như đền thờ Vua Đinh - Vua Lê, đền Thái Vi, nhà thờ đá Phát Diệm...; những áng thơ văn, lễ hội, ca múa, trong đó hát Chèo có từ thời Đinh, hát Ca Trù, hát Xẩm ở Yên Phong (Yên Mô), hát Văn (Phủ Đồi, Nho Quan)... còn duy trì và phát triển đến ngày nay. Nhiều danh nhân nổi tiếng như Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ, Dương Vân Nga, Nguyễn Minh Không, Trương Hán Siêu, Ninh Tốn, Vũ Duy Thanh, Vũ Phạm Khải, Phạm Thận Duật và các vị khoa bảng, nhà văn hóa, nhà khoa học đương đại được sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Mỗi ngọn núi, con sông trên đất Ninh Bình đều là những địa danh ghi lại những dấu tích về văn hóa, lịch sử trong tiến trình thích ứng với thiên nhiên, chống thù trong, giặc ngoài để đứng vững và phát triển. Mỗi tên đất, tên làng đều thể hiện khát vọng về một cuộc sống hòa bình, hạnh phúc bền vững của Nhân dân trên mảnh đất Ninh Bình...  

PHẦN THỨ HAI: NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT SAU 30 NĂM TÁI LẬP TỈNH NINH BÌNH

Tình hình kinh tế - xã hội thời điểm tái lập tỉnh 

Trong thời gian tỉnh mới được tái lập, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ninh Bình lúc đó là một tỉnh nghèo. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 62,9% GDP, nhưng chưa phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng chậm và chưa vững chắc, còn mang nặng tính chất tự cấp, tự túc; sản lượng lương thực bình quân đầu người năm 1992 mới đạt trên 330 kg. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ bé, phân tán, manh mún; kỹ thuật, công nghệ lạc hậu, hiệu quả thấp, sản xuất kinh doanh ở nhiều đơn vị quốc doanh thua lỗ. 

Năm 1992, tổng thu ngân sách trên địa bàn mới chỉ đạt gần 40 tỷ đồng, trong đó, thuế nông nghiệp chiếm khoảng 50% cơ cấu nguồn thu ngân sách. Lao động thiếu việc làm, trong khi dân số tăng cao. Hệ thống giao thông, công trình thủy lợi xuống cấp nghiêm trọng. Trường học, bệnh viện, trạm y tế xã còn thiếu và xuống cấp. Các vấn đề xã hội và đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể chậm đổi mới, chưa ngang tầm với nhiệm vụ đặt ra. GDP bình quân đầu người thấp, đạt 840.000 đồng/người/năm, đời sống một bộ phận Nhân dân còn rất khó khăn. 2. 

Kết quả thực hiện các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh từ 1992 - 2020 

a. Giai đoạn 1992 - 1995 

Sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh đã phát huy truyền thống cách mạng, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, giành được những thắng lợi lớn có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng cả nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho bước phát triển nhanh hơn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đến năm 1995, nền kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới, tương đối toàn diện, tốc độ tăng trưởng khá, cao hơn so với các thời kỳ trước đây, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu chủ yếu, nổi bật là sản xuất nông nghiệp. Sản lượng lương thực đạt 31,9 vạn tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 372 kg; tốc độ tăng trưởng công nghiệp bình quân hàng năm đạt 15,2%; tỷ trọng giá trị công nghiệp trong tổng giá trị sản lượng nông - công nghiệp đạt 23,65%. 

Thu ngân sách trên địa bàn năm 1995 đạt gần 84,5 tỷ đồng. Tình hình xã hội có nhiều chuyển biến tốt. Đời sống của đại bộ phận Nhân dân ổn định và có nhiều mặt được cải thiện. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội và nền quốc phòng toàn dân được củng cố, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và Nhân dân. Hệ thống chính trị được đổi mới và tăng cường. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò của Mặt trận và các đoàn thể được nâng cao. 

b. Giai đoạn 1996 - 2000 

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh đã đoàn kết, phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế tăng trưởng khá; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 8,12%/ năm; trong đó giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,28%, công nghiệp tăng 15,12%, dịch vụ tăng 9,72%. 

Đến năm 2000, sản lượng lương thực quy thóc đạt 45,5 vạn tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 504 kg. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 150 tỷ đồng. Cơ sở vật chất kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường. Các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống của Nhân dân tiếp tục ổn định và nhiều mặt được cải thiện. Quốc phòng an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, ngày càng vững mạnh.

c. Giai đoạn 2001 - 2005 

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Ninh Bình đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là lĩnh vực phát triển kinh tế. Giai đoạn này, nền kinh tế của tỉnh đã bước vào thời kỳ tăng trưởng nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản. 

Tốc độ tăng trưởng GDP (2001 - 2005), bình quân đạt 20,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đến năm 2005, nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 30,9%; công nghiệp - xây dựng chiếm 35,7%; dịch vụ chiếm 33,4%. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản lượng lương thực quy thóc bình quân đạt 45,4 vạn tấn/năm; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 25,4 triệu đồng/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đến năm 2005 gấp 2,7 lần so với năm 2000. Giá trị sản xuất hàng xuất khẩu đến năm 2005 đạt 50,3 triệu USD; giá trị kim ngạch nhập khẩu đạt 22 triệu USD. 

Lĩnh vực dịch vụ, du lịch, giao thông vận tải, điện lực, bưu chính viễn thông đều có bước phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. 

Thu ngân sách trên địa bàn năm 2005 đạt 639 tỷ đồng. GDP bình quân đầu người năm 2005 đạt 5,3 triệu đồng, gấp 2,1 lần năm 2000. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2005 còn 6,2% (theo tiêu chí năm 2000), cơ bản không còn hộ đói.

d. Giai đoạn 2006 - 2010 

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ninh Bình tiếp tục phát huy được truyền thống và sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân, chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với thực tiễn của tỉnh, nỗ lực phấn đấu đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. 

- Trong điều kiện có nhiều khó khăn, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 - 2009, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của tỉnh đạt 16,5%, cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước. 

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2010 đạt 19.200 tỷ đồng, gấp 4,36 lần năm 2006. 

Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân hàng năm (theo giá cố định 1994): Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 4,3%; công nghiệp: 28,4%; dịch vụ: 19,12%. Cơ cấu kinh tế (theo GDP giá hiện hành) đến năm 2010: Công nghiệp - xây dựng: 48,9%; dịch vụ: 35,3%; nông, lâm nghiệp, thủy sản: 15,8%. GDP bình quân đầu người năm 2010 đạt 20,9 triệu đồng, tăng gần 4 lần so với năm 2005, bằng 90% so với bình quân chung cả nước (1.200 USD) và vượt bình quân vùng Đồng bằng sông Hồng (1.040 USD). 

Thu ngân sách trên địa bàn năm 2010 đạt 3.066 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng có sự phát triển mạnh, giá trị sản xuất công nghiệp bình quân 5 năm tăng 28,4%. Những dự án lớn như: các nhà máy xi măng The Vissai, Hướng Dương, Duyên Hà, ô tô Thành Công, nhà máy kính Tràng An... đã góp phần làm tăng năng lực sản xuất và tạo giá trị tăng thêm. Huy động nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ bản tăng mạnh, cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch theo hướng tích cực. 

Trong giai đoạn này, tổng nguồn vốn đạt 46.000 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với thời kỳ 2001-2005. Nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tăng cao, đạt 75 triệu đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2005. 

Du lịch có bước phát triển khá. Năm 2010, đón trên 3,3 triệu lượt khách du lịch đến Ninh Bình. Hoạt động xuất, nhập khẩu có chuyển biến tích cực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 5 năm đạt 985 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt trên 240 triệu USD, tăng bình quân 26,2%/năm.

- Cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết, đạt nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống Nhân dân không ngừng được cải thiện. Giáo dục - đào tạo phát triển khá toàn diện; công tác khoa học, công nghệ; bảo vệ tài nguyên, môi trường được coi trọng. Công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân được quan tâm. Văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao, báo chí, phát thanh - truyền hình, văn học - nghệ thuật có nhiều tiến bộ. Công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội được triển khai mạnh mẽ trong toàn tỉnh, trọng tâm là ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trong địa bàn tỉnh.  

đ. Giai đoạn 2011 - 2015 

Giai đoạn này, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng có nhiều khó khăn, thách thức. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự quan tâm giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ, khắc phục khó khăn nên đã đạt được những kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả nhiệm kỳ đạt 11,7%/năm, là mức tăng trưởng khá trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước suy giảm. 

So với năm 2010, quy mô GDP gấp 2,1 lần; tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản giảm xuống còn 12%; tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng tăng lên 48%; tỷ trọng ngành dịch vụ tăng lên 40%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2015 đạt 4.379 tỷ đồng. Sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá. Một số dự án sản xuất mới hoàn thành (ô tô, linh kiện điện tử) đã đi vào hoạt động có hiệu quả. Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn có bước phát triển; có 83/257 làng nghề được UBND tỉnh công nhận; giá trị sản xuất từ nghề, làng nghề chiếm 19% tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định; vùng lúa chất lượng cao được mở rộng theo quy hoạch; an ninh lương thực được đảm bảo; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2,04%/ năm (giá so sánh 2010). 

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch có nhiều tiến bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng nông thôn mới được thực hiện đồng bộ; tổng nguồn lực huy động trong 3 năm thực hiện chương trình là 7.915 tỷ đồng và đến hết năm 2015, có 40/119 xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới. Du lịch phát triển mạnh, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Năm 2015, số lượt khách đến tham quan các điểm du lịch đạt 6 triệu lượt (gấp 2 lần so với năm 2010); doanh thu từ du lịch đạt 1.200 tỷ đồng. Dịch vụ thương mại, ngân hàng, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông và các lĩnh vực dịch vụ khác cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống. 

Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Giáo dục - đào tạo phát triển khá toàn diện; quy mô và mạng lưới các cấp học phát triển phù hợp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập của Nhân dân trong tỉnh; tỉnh Ninh Bình luôn đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và thi tuyển sinh đại học, cao đẳng. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; công tác tư pháp, cải cách tư pháp, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả. 

Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, chất lượng hoạt động được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng được tập trung lãnh đạo toàn diện, đạt kết quả tích cực. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được nâng cao; công tác quản lý và điều hành của chính quyền các cấp có chuyển biến tích cực. 

E. Giai đoạn 2016 - 2020 Bên cạnh những thuận lợi cơ bản còn nhiều khó khăn, thách thức; dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ, quân và dân toàn tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, phát huy dân chủ, nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực; thực hiện đạt và vượt 13/15 mục tiêu chủ yếu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, trong đó 12 mục tiêu hoàn thành vượt mức. - Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng. 

Tổng sản phẩm GRDP giai đoạn này tăng bình quân 8,03%/năm, vượt mục tiêu Đại hội, cao hơn bình quân chung của cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 64,8 triệu đồng, gấp 1,57 lần so với năm 2015. Tổng thu ngân sách cả nhiệm kỳ đạt 58.841 tỷ đồng, gấp 3,6 lần nhiệm kỳ trước. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, dịch vụ có những bước đi đột phá; thu hút được nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, thúc đẩy công nghiệp tăng trưởng nhanh, tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp bình quân 22,3%/năm, vượt mục tiêu Đại hội (16,0%/năm). Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực như ô tô, camera module, kính nổi... tăng mạnh, đóng góp lớn cho nền kinh tế của tỉnh. Hệ thống kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ. 

Nhiều công trình trọng điểm được triển khai, hoàn thành đưa vào sử dụng, từng bước đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại. Chính sách phát triển nông nghiệp và hỗ trợ nông thôn được thực hiện hiệu quả; nông nghiệp chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thức sản xuất tiên tiến, giá trị sản xuất đạt 135 triệu đồng/1 ha đất canh tác; hình thành vùng cơ sở chăn nuôi tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị. 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và hưởng ứng của nhân dân. Hết năm 2020, có 106/116 xã (chiếm 91,4%) và 4 huyện (Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn, Yên Mô) đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 100 thôn đạt chuẩn Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. 

Du lịch tiếp tục phát triển năng động, có nhiều sản phẩm du lịch mới, từng bước khẳng định vị trí, thương hiệu trong nước, quốc tế và dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quy hoạch chung Khu Quần thể Danh thắng Tràng An được Thủ tướng phê duyệt làm căn cứ bảo tồn, bảo vệ di sản. Năm 2019, đón 7,65 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 3.600 tỷ đồng. - Văn hóa - xã hội có nhiều kết quả, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện, người có công và các đối tượng bảo trợ được chăm lo. 

Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 2%, hộ cận nghèo 3%; bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho trên 20.500 người. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. 

Nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn được tổ chức thành công đã tạo sức lan tỏa, quảng bá hình ảnh đất và người Ninh Bình. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia  tăng lên 95,1%, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Nhiều năm liền, Ninh Bình xếp thứ 3 cả nước về điểm trung bình bài thi tốt nghiệp THPT quốc gia, cũng là tỉnh thứ 3 trong cả nước về công tác phổ cập giáo dục xóa mù chữ. Năm 2020, Ninh Bình tự hào lần đầu tiên có học sinh giành giải cao nhất Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia. 

Đã chủ động phòng, chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn được công nhận tiêu chí quốc gia về y tế đạt 98,6%; tỷ lệ tham gia BHTY đạt 92% dân số, tiến tới y tế toàn dân. - Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tạo môi trường ổn định và thuận lợi cho sự phát triển. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được chỉ đạo quyết liệt, giải quyết dứt điểm một số vụ việc phức tạp, kéo dài; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm, tạo niềm tin cho nhân dân. - Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và đạt kết quả tốt; lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng được nâng lên. 

Công tác chính trị tư tưởng được tăng cường, chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương; triển khai sâu rộng Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", gắn với thực hiện quy định về nêu gương và chủ đề công tác năm của Tỉnh ủy, đồng thời duy trì sinh hoạt chính trị dưới nghi thức chào cờ đầu tuần hằng tháng gắn với biểu dương các tập thể, cá nhân trở thành nền nếp. Công tác tổ chức cán bộ được thực hiện chặt chẽ, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; thường xuyên quan tâm xây dựng tổ chức cơ sở đảng, phát triển đảng viên, nhất là ở doanh nghiệp ngoài nhà nước, vùng đông đồng bào có đạo, bình quân mỗi năm kết nạp 2.020 đảng viên. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng được triển khai nghiêm túc, góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương. 

Công tác dân vận có nhiều đổi mới, nhiều mô hình "Dân vận khéo" được áp dụng và phát huy hiệu quả thực tế; nhiều vấn đề phức tạp, vướng mắc ở cơ sở được tháo gỡ, giải quyết kịp thời, tạo sự gắn bó, đồng thuận trong Nhân dân. Công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, được dư luận Nhân dân đồng tình, ủng hộ. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính được  triển khai tương đối đồng bộ, quyết liệt, bám sát nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các cơ quan, đơn vị đã quan tâm triển khai công tác cải cách hành chính tại đơn vị kịp thời, đi vào nền nếp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành, đảm bảo công khai, minh bạch, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân. 

- Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả, sâu sát cơ sở; chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức và nội dung hoạt động; chăm lo đến lợi ích của đoàn viên, hội viên và Nhân dân; phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, khu dân cư; đa dạng các hình thức tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội; tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. 

- Chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh được nâng cao; công tác quản lý và điều hành của UBND tỉnh có chuyển biến tích cực. Hoạt động của HĐND các cấp có nhiều đổi mới, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ với chất lượng ngày càng được nâng lên. Sự phối hợp giữa HĐND với UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh được duy trì thường xuyên, chặt chẽ, có hiệu quả. Công tác quản lý, điều hành của UBND tỉnh và chính quyền các cấp tiếp tục được đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm; hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo tổ chức thực hiện được nâng lên. 

Chỉ số cải cách hành chính từ năm 2015 đến nay xếp trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước, năm 2019 xếp thứ 8 toàn quốc (tăng 01 bậc so với năm 2018, tăng 32 bậc so với năm 2014). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp thường xuyên với HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh trong chỉ đạo triển khai tuyên truyền, tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, giám sát việc thực hiện các nghị quyết; tham gia ý kiến vào các dự án Luật. 

Chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri tiếp tục được nâng lên; đã tiếp thu và phản ánh kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ.

Tiếp tục thông tin tuyên truyền về những thành tựu nổi bật của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Ninh Bình đ

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 130617

Trực tuyến: 61

Hôm nay: 499