Trang Thông tin điện tử

xã Định Hóa - Huyện Kim Sơn

Chủ nhật, 22/12/2024

Quyết liệt phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tái phát

Thứ tư, 25/11/2020

Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại xã Yên Lộc, Lưu Phương, Thượng Kiệm, Như Hòa, Xuân Chính sau nhiều ngày trên địa bàn huyện không ghi nhận ca mắc. Cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở và cơ quan chuyên môn đang quyết liệt xử lý, ngăn chặn các nguồn lây lan dịch bệnh

 

Trước những diễn biến phức tạp của Dịch tả lợn Châu Phi, công tác phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở triển khai quyết liệt. UBND huyện đã ban hành các công văn chỉ đạo, tập trung kiểm soát và triển khai các biện pháp khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi như: Công văn số 1603/UBND ngày 14/9/2020, công văn 1888/UBND ngày 21/9/2020, công văn số 1920/UBND ngày 28/10/2020 và các quyết định công bố dịch tại các xã Yên Lộc, Lưu Phương, Thượng Kiệm, Như Hòa và Xuân Chính. Đồng thời kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Kim Sơn, thành lập tổ công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nhanh các ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi

Sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn, đến 11/9/2020 dịch bệnh tái phát tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xóm 7, xã Yên Lộc. Ngay sau khi nhận được thông báo, các ngành chức năng phối hợp cùng địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp khoanh vùng dập dịch (tiêu hủy lợn mắc bệnh, khử trùng tiêu độc ổ dịch và môi trường xung quanh). UBND huyện cấp 52 tấn vôi bột cho các xã, thị trấn thực hiện công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Theo báo cáo của phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn: Từ 11/9 đến 18/11/2020, bệnh dịch tả lợn Châu Phi tái phát tại 5 xã đó là: xã Yên Lộc, Lưu Phương, Thượng Kiệm, Như Hòa, Xuân Chính, số lợn đã tiêu hủy là 92 con, trọng lượng 7.913kg. Nhờ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng nhân dân trong việc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch tả lợn Châu Phi nên sau 30 ngày kể từ thời điểm xảy ra dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn xã Yên Lộc không phát sinh thêm ổ dịch mới. UBND huyện đã ban hành quyết định về việc công bố hết dịch bệnh tả lợn châu Phi xã Yên Lộc. Xã Lưu Phương đã qua 26 ngày, xã Thượng Kiệm đã qua 19 ngày và xã Như Hòa đã qua 18 ngày chưa phát sinh thêm ổ dịch mới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp. Dịch tả lợn châu Phi hiện chưa có thuốc chữa và vắc - xin phòng, chống. Cùng với đó, thời tiết nóng, ẩm thất thường là điều kiện thuận lợi cho virus dịch tả lợn châu Phi phát triển. Cơ chế lây truyền bệnh khá đa dạng; qua phương tiện vận chuyển, nguồn thức ăn, nguồn nước, người vào vùng dịch không được khử trùng tiêu độc, qua các loại động vật trung gian truyền nhiễm (côn trùng, chuột, chim…). Dịch bùng phát mạnh nhưng tập trung chính ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, công tác phòng chống dịch bệnh không được bảo đảm…

Hiện, tổng đàn lợn toàn huyện trên 60.000 con, trong đó lợn nái, lợn đực giống là 8.000 con, lợn thịt 34.000 con và lợn con 19.000 con. Các xã có tổng đàn lợn nhiều như xã Như Hòa, Chất Bình, Kim Mỹ, Cồn Thoi, Văn Hải, Lai Thành. Để kiểm soát tốt bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện yêu cầu: UBND các xã, thị trấn kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, tổ giám sát dịch bệnh động vật của xã, thị trấn. Duy trì hoạt động tổ giám sát dịch bệnh các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi giám sát ở các thôn, xóm, kịp thời phát hiện những trường hợp mới phát sinh, giám sát chặt chẽ không để người chăn nuôi bán chạy lợn ốm, chết, vứt xác lợn chết ra môi trường. Các hộ chăn nuôi thực hiện kê khai chăn nuôi ban đầu với UBND các xã, thị trấn; sử dụng vôi bột và hóa chất được cấp để vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trên địa bàn, đặc biệt tại các ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

Đối với các cơ quan chuyên môn: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch bệnh, giám sát việc tiêu hủy gia súc gia cầm bị dịch bệnh; hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi theo quy định.

Cùng với sự cố gắng nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc khoanh vùng, dập dịch, rất cần sự nâng cao nhận thức trong việc chủ động phòng, chống dịch của từng người dân, từng gia đình và của cả cộng đồng, nhất là các hộ chăn nuôi cần lựa chọn con giống chất lượng, có nguồn gốc và đã qua kiểm dịch hạn chế nguồn lây lan. Về lâu dài, chăn nuôi hướng đến an toàn sinh học, nhất là chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung để bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch tốt và hiệu quả nhất. Khi các hộ chăn nuôi có lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh, bắt buộc phải tiêu hủy để phòng, chống dịch bệnh lây lan sẽ được hỗ trợ theo Nghị định 02/2017/NĐ-CP, ngày 09/01/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Hy vọng rằng với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của các cấp, các ngành, địa phương, cùng ý thức trách nhiệm của hộ chăn nuôi sẽ ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi tái phát và lây lan ra diện rộng, giảm tối đa thiệt hại cho ngành chăn nuôi, góp phần ổn định và phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn.

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 130722

Trực tuyến: 64

Hôm nay: 604