Trang Thông tin điện tử

xã Định Hóa - Huyện Kim Sơn

Chủ nhật, 22/12/2024

Chi hội phó Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

Thứ năm, 16/01/2020

Xuất thân từ gia đình nông nghiệp, nhờ chịu khó mà ông Phạm Ngọc Bút, chi hội phó chi hội 1 - Hội CCB xã Định Hóa đã thành công với mô hình chăn nuôi lợn từ đôi bàn tay trắng. Ở cái tuổi “thất thập” ông vẫn hăng say lao động, góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.

 

Được sự giới thiệu của chủ tịch Hội CCB xã Định Hóa, chúng tôi tìm về gia đình ông Phạm Ngọc Bút, chi hội phó chi hội 1 - Hội CCB xã Định Hóa. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ nhưng gọn gàng, ngăn nắp, ông Phạm Ngọc Bút cho biết: Trước đây, gia đình ông canh tác 1,3 mẫu ruộng, nhà đông con, chi phí cho các con ăn học nhiều nên cuộc sống rất khó khăn. Xuất phát từ mong muốn cải thiện kinh tế gia đình, năm 2010, ông Bút lựa chọn mô hình chăn nuôi lợn. Nghĩ là làm, bằng số vốn vay mượn của người thân, họ hàng, gia đình ông đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố, triển khai mô hình gia trại chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, hiện đại.

 

Gia trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Bút có quy mô rộng 200mchia thành các nuôi lợn lái sinh sản, khu nuôi lợn con sau khi tách mẹ và khu nuôi lợn thịt. Việc phân khu vừa đảm bảo cho đàn lợn nuôi được phát triển đồng đều, lại vừa thuận tiện trong việc cho ăn, dọn vệ sinh. Trong quá trình nuôi, gia đình ông luôn chú trọng phòng, chống các loại dịch bệnh như dịch tai xanh, tả, thương hàn, tụ huyết trùng, Ecoli… Quan trọng nhất là khâu khử trùng, đảm bảo chuồng trại thoáng mát và môi trường xung quanh sạch mầm bệnh. Để phòng bệnh, thông thường gia đình ông phun hóa chất khử trùng hoặc rắc vôi tỏa toàn bộ khu chuồng trại 3 buổi/tuần, vào những giai đoạn có dịch bệnh ở địa phương thì việc khử trùng được thực hiện thường xuyên hơn, mỗi ngày 1 lần hoặc tiến hành khử trùng ngay trước và sau khi xuất bán. Để việc chăn nuôi, sản xuất của gia đình không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hộ xung quanh, ngoài việc chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, gia đình ông Bút còn xây bể kín Biogas tận dụng chất thải của vật nuôi, tạo chất đốt, tiết kiệm chi phí tiêu thụ điện, gas của gia đình. Bên cạnh đó ông cũng quan tâm chăm sóc và coi trọng chế độ ăn của lợn mẹ, lợn con lúc mới sinh. Nguồn thức ăn luôn bảo đảm chất dinh dưỡng để lợn chóng lớn và sinh sản tốt. Nhờ chủ động nguồn giống với việc duy trì 7-10 con lợn lái nên lợn con luôn khỏe mạnh, ông cũng chú ý tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh cho lợn con. 

Vẫn biết chăn nuôi có lúc thăng lúc trầm, nhưng chưa bao giờ gia trại nuôi lợn của nhà ông Bút xảy ra dịch bệnh. Có thời điểm nhiều gia trại trên địa bàn huyện lao đao vì dịch bệnh như dịch Lở mồng long móng năm 2018 hay dịch tả Châu Phi hiện đang diễn biến phức tạp khiến không ít hộ dân bỏ chuồng vì sợ dịch bệnh, nhưng ông Bút vẫn đứng vững với nghề chăn nuôi. Ông Bút nói mình may mắn, nhưng có lẽ đó là minh chứng rõ nhất, khẳng định cho việc gia đình đã làm tốt công tác an toàn sinh học trong chăn nuôi.

 

Hiện nay các lứa lợn được ông Bút nuôi gối nhau, không lúc nào trống chuồng, hàng tháng gia đình đều có lợn xuất bán. Ngoài chăn nuôi lợn, gia đình ông Bút còn trồng lúa, nấu rượu, vừa tạo thêm thu nhập lại tận dụng được phụ phẩm làm thức ăn cho lợn, góp phần giảm chi phí trong chăn nuôi. Từ việc phát triển mô hình kinh tế, sau khi trừ chi phí, mang lại lợi nhuận cho gia đình 150 - 200 triệu đồng/năm - một khoản thu nhập không nhỏ đối với những người nông dân.

 

Với suy nghĩ không để cái nghèo đeo bám, nhờ đức tính siêng năng, chịu thương chịu khó kết hợp với áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã mang lại cho gia đình ông Bút thành quả. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Bút luôn cởi mở, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho nhiều gia đình hội viên CCB của xã Định Hóa để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, góp sức xây dựng quê hương./.

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 130523

Trực tuyến: 39

Hôm nay: 405