Trang Thông tin điện tử

xã Định Hóa - Huyện Kim Sơn

Chủ nhật, 22/12/2024

Kim Sơn khẩn trương phòng chống, ứng phó bão số 3

Thứ sáu, 06/09/2024

Nhằm chủ động phòng chống, ứng phó với bão số 3, huyện Kim Sơn đã và đang khẩn trương thực hiện các phương án để ứng phó với cơn bão.

Cập nhật vị trí và đường đi của bão số 3 hồi 8 giờ ngày 6.9. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia.

Để bảo đảm an toàn cho người dân khu vực ven biển, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã thông báo đến tất cả phương tiện, thuyền viên về diễn biến và hướng di chuyển của bão. Thông báo cho 218 lều chòi/374 lao động từ đê Bình Minh III đến Cồn Mờ; 1.141 hộ/2.311 nhân khẩu đang nuôi trồng thủy sản từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh và di dời về nơi tránh trú an toàn khi có lệnh. Thông báo cho các chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng các công trình khu vực ven biển về tình hình diễn biễn của bão để có phương án phòng, tránh.

Ngư dân Nguyễn Văn Cường, xóm 4, xã Kim Đông cho biết: “Tôi cùng các ngư dân đã được Bộ đội Biên phòng, các cấp, ngành tuyên truyền về tình hình của cơn bão nên các tổ tàu thuyền chúng tôi chủ động về bờ tránh bão, tránh những nguy hiểm có thể xảy ra”.

Các tổ tàu thuyền vào bến, về bờ neo đậu an toàn (Ảnh Danviet.vn)

Từ 19 giờ ngày 5/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã triển khai các tổ kiểm soát tại trạm Biên phòng Cồn Nổi; các cống thuộc đê Bình Minh 3, đê Bình Minh 4 và đường ra Cồn Nổi; bắn pháo hiệu cảnh báo bão, thông báo để bà con ngư dân tạm dừng khai thác và sắp xếp neo đậu tàu thuyền tránh, trú. Cử lực lượng tuần tra, canh gác, hộ đê, đặc biệt là các trọng điểm công trình xung yếu trên địa bàn huyện, chuẩn bị sẵn các nguồn lực để phòng, chống ngập lụt cho diện tích lúa Mùa khi xảy ra mưa lớn kéo dài và bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi trồng thủy sản.

Thiếu tá Trần Quốc Khánh, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Kim Sơn cho biết; Chỉ huy đơn vị phân công các tổ, đội công tác chốt tại các điểm như cống C1, C2, C3, cống Điện Biên, Cửa Đáy, Cửa Càn, và tiếp tục kêu gọi bà con nhân dân vào khu vực tránh trú bão an toàn. Đến nay, 267 thuyền viên và các tổ tàu thuyền vào bến, về bờ neo đậu. Tổ chức lực lượng, phương tiện di chuyển ra các lều, chòi nuôi ngao kêu gọi bà con ngư dân vào bờ tránh trú.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, đêm 5/9, Kim Sơn đã có mưa to, gió giật mạnh với mực nước mưa đo được 70mm. Chi nhánh Khai thác Công trình Thủy lợi huyện đã phối hợp cùng các Hợp tác xã nông nghiệp, Hợp tác xã thủy sản tiếp tục tiêu kiệt nước đệm trong hệ thống; sẵn sàng lực lượng, phương tiện  triển khai phương án chống úng cho lúa Mùa và bảo vệ các ao đầm nuôi trồng thủy sản. Chủ động kiểm tra, sửa chữa 31 cống trên các tuyến đê và 6 trạm bơm chuyên tiêu để đảm bảo chống úng cho sản xuất nông nghiệp.

Chi nhánh Khai thác công trình thủy lợi huyện chủ động gia cố các tầng cánh cống tại  Đê Bình Minh 4.

Trước ảnh hưởng của cơn bão, Trung tâm vệ sinh Môi trường đô thị huyện khẩn trương kiểm tra hệ thống chiếu sáng đô thị; kiểm tra và thực hiện việc chằng chống hệ thống cây xanh được giao quản lý, thực hiện cắt tỉa cây xanh đô thị đảm bảo an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo huyện Kim Sơn kiểm tra các điểm xung yếu trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, tối 5/9, Ủy ban Nhân dân huyện Kim Sơn đã ban hành Công điện số 01/CĐ-UBND về việc ứng phó khẩn cấp với cơn bão YAGI, chỉ đạo các ban, ngành, các cơ quan, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình của cơn bão, thông tin kịp thời đến người dân chủ động các biện pháp phòng tránh. Đình hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng chống bão số 3. Triển khai công tác "4 tại chỗ", tổ chức lực lượng sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết; rà soát và tổ chức sơ tán các hộ dân có nhà ở thiếu kiên cố, có nguy cơ sập, đổ đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Tiểu ban di dân, tìm kiếm cứu nạn và hộ đê biển phối hợp với Đồn Biên phòng Kim Sơn, Hải Đội 2 Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân các xã: Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải khẩn trương triển khai phương án di dân khu vực ngoài đê biển Bình Minh II (bao gồm cả các lao động đang nuôi hàu trên sông Đáy) đến nơi tránh, trú an toàn và triệt để xong trước 15h00’ ngày 06/9/2024. Kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng bè, lều chòi khi bão ảnh hưởng trực tiếp (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân). Ủy ban nhân dân các xã: Kim Đông, Kim Trung, Kim Hải thành lập các tổ tuyên truyền, vận động người dân di dời vào trong đê biển Bình Minh II theo đúng thời gian nêu trên, lập các chốt kiểm soát, tuyệt đối không để người dân đi ra ngoài đê biển Bình Minh II kể từ 07h30’ ngày 06/9/2024 đến khi bão tan. Công an huyện chủ trì, phối hợp với các lực lượng vũ trang triển khai công tác đảm bảo an ninh trật tự ở vùng di dân để Nhân dân yên tâm chấp hành việc di dời. Tạm ngừng hoạt động 12 tuyến đò đang hoạt động kể từ 15h00’ ngày 06/9/2024 đến khi bão tan.

Đò Quỹ Nhất, xã Quang Thiện chở những lượt khách cuối cùng trước khi tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của bão số 3.

Để chủ động ứng phó với diễn biến của cơn bão số 3, siêu bão Yagi, phòng tránh và hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra. Công an huyện Kim Sơn đã triển khai lực lượng xuống các xã ven biển: Kim Trung, Kim Đông, Kim Hải và Thị trấn Bình Minh. Phối hợp với các đơn vị chức năng nắm tình hình tàu thuyền về nơi tránh trú bão, neo đậu vào nơi an toàn; phối hợp cùng các cấp, các ngành tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây; sơ tán nhân dân ở vùng ven biển khu vực ngoài đê Bình Minh II vào khu vực an toàn; đảm bảo an ninh trật tự ở vùng di dân để nhân dân yên tâm chấp hành việc di dời.

Lực lượng công an tham gia chốt kiểm soát, không để người dân ra khu vực ngoài đê Bình Minh II.

 

Tuyên truyền, vận động các hộ dân di chuyển vào nơi an toàn để tránh bão.

Cùng với đó, Công an huyện quán triệt cán bộ, chiến sỹ không chủ quan, lơ là, chủ động chằng chống nhà cửa, trụ sở làm việc, có phương án sắp xếp tài liệu, vũ khí, trang thiết bị khác để phòng mưa to xảy ra khi bão đổ bộ vào địa bàn. Thực hiện Công điện của Giám đốc Công an tỉnh, Công điện của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, Công an huyện yêu cầu các phòng, công an xã, thị trấn triển khai thực hiện nghiêm túc chế độ trực 100% quân số, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có lệnh. Đảm bảo thông tin liên lạc, tổ chức bảo vệ an toàn cơ quan, đơn vị, hồ sơ, tài liệu, kho vật chứng, an toàn trại tạm giam, nhà tạm giữ. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh phục vụ cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng chống bão.

Để chủ động ứng phó với bão số 3, xã Kim Hải đã họp Ban chỉ đạo, các tiểu ban, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, triển khai phương án di dân, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện để phòng chống bão.

Xã Kim Hải phối hợp với lực lượng quân sự lập chốt kiểm soát tại cống CT2 không để người dân đi ra khu vực ngoài đê Bình Minh II.

Kim Hải hiện có 148 hộ với 160 nhân khẩu tham gia nuôi trồng thuỷ sản khu vực từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III. Ngay trong sáng 6/9, Kim Hải đã thành lập 3 tổ tuyên truyền, vận động, mỗi tổ từ 9-10 thành viên đến từng hộ gia đình thông báo cho người dân về diễn biến của bão số 3, các biện pháp ứng phó, tổ chức di chuyển người già, trẻ em và tài sản có giá trị vào trong đê Bình Minh II. Thực hiện chằng chống nhà cửa, lều lán và di chuyển về nơi an toàn trước 15h ngày 6/9. Thành lập các chốt kiểm soát không để cho người dân đi ra ngoài đê Bình Minh II từ 7h30’ ngày 6/9 đến khi bão tan. Để tránh tâm lý chủ quan cho cán bộ và nhân dân trước cơn bão số 3, xã đã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh, tuyên truyền lưu động về diễn biến bão số 3, các biện pháp ứng phó và công tác di dân đến mọi người dân, nhất là khu vực ngoài đê Bình Minh II. Chỉ đạo nhân dân thực hiện các biện pháp chằng chống nhà cửa, bảo vệ ao đầm, con nuôi thuỷ sản.

Cùng với việc chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực phòng chống bão theo phương án của xã, Kim Hải chuẩn bị lực lượng ứng cứu hộ đê Bình Minh III, đoạn trên địa bàn xã đang bị nứt theo phương án tỉnh, huyện giao, gồm 80 người, hợp đồng 4 xe tải, 2 máy cẩu, 1000 cọc tre, 1000 cây tre, 400 bao cát. Tổ chức lực lượng ứng trực 24/24h, chuẩn bị sẵn sàng các phương án, ứng phó với bão số 3.

Trước diễn biến của cơn bão số 3 và các ảnh hưởng của thời tiết, thiên tai cực đoan có thể xảy ra. Trung tâm Vệ sinh môi trường đô thị huyện triển khai nghiêm túc công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Chặt tỉa cây xanh để giảm thiểu thiệt hại do cây đổ, cành gãy do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Theo đó, để giảm thiểu thiệt hại do cây đổ, cành gãy do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và đảm bảo tầm nhìn, an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông. Trung tâm Vệ sinh môi trường đô thị huyện tập trung vận hành hết công suất phương tiện, huy động tối đa nhân lực, tăng ca, tăng giờ để cắt tỉa cành cây của hơn 800 cây xanh trên tuyến Đường 10 (cũ) từ Hùng Tiến tới Lai Thành, đây là những cây tán lá rộng, nặng tán, lệch tán. Với những cây có nguy cơ gãy đổ, sâu mục, Trung tâm chặt hạ, đảm bảo không che khuất tầm nhìn cho người tham gia giao thông, gây ảnh hưởng tới hệ thống đường điện, đảm bảo an toàn về người và của khi có hiện tượng mưa to, gió lớn. Chằng, chống hơn 1.000 cây xanh ở tuyến đường N2 (đường 55m) khu trung tâm hành chính huyện; tuyến đường trước trụ sở Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện; cây xanh ở Công viên Văn hóa cộng đồng huyện bằng khung thép.

Hệ thống cây xanh tại khu trung tâm hành chính huyện được chằng, chống bằng khung thép.

Cùng với đó, Trung tâm vệ sinh Môi trường đô thị huyện quan tâm thực hiện công tác vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, khắc phục sự cố về hệ thống điện chiếu sáng đô thị, đảm bảo môi trường luôn sáng, xanh, sạch, đẹp.

Cùng với các địa phương trên địa bàn huyện, để chủ động đối phó với bão số 3, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thị trấn Phát Diệm yêu cầu các đồng chí thành viên, các tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện công tác 4 tại chỗ. Tổ chức lực lượng sẵn sàng cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết; rà soát và tổ chức sơ tán các hộ dân có nhà ở thiếu kiên cố, có nguy cơ đổ sập để di dời người dân trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Tuyên truyền, vận động người dân chằng chống nhà cửa. Cùng với đó, để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa các sự cố liên quan đế cây xanh trong mưa bão, Đảng uỷ, UBND thị trấn Phát Diệm đã chỉ đạo các phố chủ động chặt tỉa cành cây có nguy cơ gãy đổ; đặc biệt, xử lý ngay các trường hợp cây nguy hiểm, cây sâu, mục, cây chết khô có khả năng gãy đổ đột ngột.

Trong sáng 6/9, các phố trên toàn địa bàn thị trấn đã chủ động chặt tỉa cành cây trên các tuyến đường trục của phố, các cành cây cao, to dễ gãy đổ, đồng thời tuyên truyền các hộ dân tự giác cắt tỉa cây xanh khu vực trong khuôn viên gia đình. Sau khi cắt tỉa cành cây, thị trấn đã huy động các phương tiện di chuyển các cành cây, giải phóng mặt bằng, xử lý vệ sinh môi trường để đảm bảo việc lưu thông cho người dân được thông suốt.

Nhóm PV và CTV.

Bình chọn

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?

Văn bản mới
Xem thêm
Thống kê truy cập

Lượt truy cập: 130731

Trực tuyến: 69

Hôm nay: 613